Sunday, December 18, 2011

Thiên Chúa dựng nên vạn vật một cách không ngoan vô cùng

Lời sách Huấn ca: Tất cả khôn ngoan đều do Thiên Chúa là Chúa Cao Cả. Lúc nào sụ khôn ngoan cũng có ở nơi Người và có trước các thời đại, và Người đã tỏa ra trong các công trình của Người (Hc 1,10). Vua Thánh Davit lại nói: Lạy Chúa, những công việc của Chúa huy hoàng biết bao! Chúa đã dựng nên vạn vật với sự khôn ngoan dường nào! (Tv 103,24). Vả chăng không thể thế khác được. Vì Thiên Chúa là sự khôn ngoan vô cùng và tự mình hành động, nên chỉ có thể hành động một cách vô cùng khôn ngoan thôi.

Vì thế nhiều vị Thánh Tiến sĩ nghĩ rằng: Tương đối theo các hoàn cảnh thì mọi công trình của Chúa đều hoàn toàn đền nỗi không thể hơn được, và tốt lành tột độ. Lời Thánh Basiliô: "Chúng ta phải thấm nhuần tư tưởng này là chúng ta là công trình của một. Người Thợ tài nghệ: Người phân phát cho ta những vật to cũng như vật nhỏ, tùy theo sự. Quan Phòng rất khôn ngoan, đến nỗi không gì xảy đến cho ta ngoài ý muốn của Ngài, không có gì xấu, cũng không có gì có thể quan niệm tốt hơn được".
Vua Đavít còn nói: Những công trình của Chúa thực vĩ đại, mọi việc đều hợp ý như Ngài muốn (Tv 110,2). Và nhất là sự khôn ngoan của Chúa đã được biểu lộ rõ rệt trong sự xứng đối giữa những phương thế Chúa dùng và mục đích Chúa đặt. Sức Quan Phòng tới đến từ đầu này đến đầu kia một cách mạnh mẽ và xếp đặt mọi sự một cách êm đềm (Kn 8, l).

Chúa Quan Phòng quản trị người ta một cách thứ tự lạ lùng. Chúa mạnh mẽ dẫn đưa người ta đến hạnh phúc, nhưng không cưỡng ép bắt buộc, Chúa rất êm dịu, không những êm dịu mà còn khôn ngoan hiểu biết nữa. Lời Đấng Khôn Ngoan: Lạy Chúa, Chúa là Chúa trên hết, Chúa đã thi hành những quyết định một cách kiên nhẫn từ từ, và Chúa cai quản chúng tôi rất dè dặt (Kn 12,18).

Chúa có một quyền lực vô cùng không có gì có thể chống lại được, nhưng đối với chúng tôi Chúa không hề dùng quyền tuyệt đối của oai quyền tối cao đó. Chúa xử đối với chúng tôi rất hiền hậu. Chúa đã đoái thương, hóa nên giống bản tính yêu hèn chúng tôi, đặt chúng tôi mỗi người vào một địa vị xứng hợp, và đặc biệt nhất để thực hiện việc cứu rỗi riêng mình. Chúa chỉ xử đối với chúng tôi rất dè dặt như những người biểu hiệu cho hình ảnh Chúa, có một nguồn gốc cao quí, và tùy theo địa vị chúng tôi, Chúa không điều khiển với một tính cách độc đoán như đối với những người nô lệ, nhưng nương nể và thận trọng. Chúa đã đối xử với chúng tôi, như lời Cantacuzène, với một sự thận trọng như khi người ta phải động đến một chiếc bình pha lê cũ hay một bình sứ dòn mỏng, người ta chỉ sợ làm bể.

Để mưu ích cho chúng tôi, chỉ cần cho chúng tôi chịu cực, cần gửi tới cho chúng tôi một cơn bịnh, cần bắt chúng tôi bị mất của ít nhiều, cần bắt chúng tôi chịu đau khổ ư? Bao giờ Chúa cũng hành động một cách thận trọng và như kiêng nể chúng tôi. Quan thái phó phạt một ông hoàng trẻ mà ông phải đảm nhiệm việc giáo dục, khác xa cách ông phạt một tên hầu. Nhà giải phẫu được ủy nhiệm cắt một chi thể của một ông lớn sẽ phải ý tứ gấp bội, để vị đó bớt phải chịu đau đớn hết sức, và chỉ tùy cần cho vị đó được lành mạnh. Hơn nữa, một người cha bó buộc phải sửa phạt người con yêu dấu, bó buộc phải hành động cho đứa con được ích lợi, nhưng bàn tay ông run vì cảm kích và vội vã cho chóng xong việc. Thiên Chúa cũng thế, Người xử đãi với ta như những tạo vật cao quí, rất được Ngài kính nể, như những người con: Người chỉ sửa phạt vì yêu (Kh 3,19)

Thử thách và hình phạt đều là những hồng ân của Chúa và là dấu hiệu của lòng thương xót cua Người. Thánh Phaolô dạy ta: Chúng con hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu là căn nguyên và cùng đích của đức tin (là Chúa Con độc nhất và yêu dấu, nơi Người Đức Chúa Cha đã được hoàn toàn sướng khoái...) Chúng con hãy nghĩ đến Đấng đã chịu phản đối do các người tội lỗi làm ngụy chống đối Người, để chúng con khỏi ngã lòng và tâm hồn chúng con khỏi thất vọng. vì chúng con chưa kháng cự đến phải đổ máu (như chính Chúa đã làm) trong khi chống lại tội lỗi, và chúng con quên sự yên ủi Chúa gửi đến cho chúng con như con cái người. Khi người phán dạy: Hỡi con, con đừng khinh hình phạt của Chúa: khi Chúa quở trách con đừng ngã lòng. Vì Chúa phạt kẻ Chúa yêu và đánh kẻ Chúa nhận làm con cái. Các Con hãy kiên nhẫn trong các cơn thử thách, vì Chúa xử với chúng con như con cái: và con cái nào lại không được Cha sửa phạt (Dt 12,2-7).

Nói tóm lại Thiên Chúa chỉ hành động với một mục đích cao cả và chí thánh là cho Người được hiển vinh và loài thụ tạo được ích lợi. Người tốt lành vô cùng, và Người chính là sự Tốt Lành, Người tìm cách lôi kéo mọi tạo vật đến với Người, để cho chúng nên hoàn toàn, Người thông cho chúng những đặc tính và tia sáng của bản tính Người, tùy theo sức chúng có thể lĩnh nhận được. Nhưng, nhờ những giây liên lạc chặt chẽ giữa Chúa và ta, nhờ sự kết hợp bản tính ta với bản tính Người trong Ngôi Hai, chúng ta còn là đối vật của lòng nhân hậu và chăm chút ân cần của Người cách đặc biệt. Người hành động xếp đặt trong mình ta và chung quanh ta vừa tầm sức ta ngõ hầu khiến cho mọi sự đều có thể giúp cho lợi ích và sự hoàn thiện của ta, nếu chúng ta muốn cộng tác vào việc Quan Phòng của Người.

Những cơn thử thách bao giờ cũng vừa sức ta chúng ta đừng bối rối trong những cơn gian nguy đôi khi chúng ta mắc phải. Chúng ta nên biết rằng những gian nguy đó có mục đích phát sinh trong ta những kết quả cứu rỗi, nên đã được cẩn thận xép đặt tùy theo nhu cầu của ta, do sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Người biết đặt giới hạn cho chúng ta cũng như đã định mốc giới cho biển cả. Đôi khi gặp những cơn cuồng phong, biển muốn tràn ngập cả những vùng rộng lớn, nhưng biển đã tôn trọng ranh giới của bờ bãi, chỉ làm tan vỡ những làn sóng ồ ạt vào đám cát lưu chuyển. Cũng thế, không có sự khốn khó nào, không có cơn cám dỗ nào mà Thiên Chúa không đặt giới hạn. Có khốn khó không phải để làm cho ta hư mất, như để cứu vớt ta. Thánh tông đồ Phaolô viết: Thiên Chúa trung thành, Người không để cho anh em phải cám dỗ hay khốn khó quá sức anh em (1 Cr 10, 13). Nhưng anh em cần phải chịu như thế, vì phải qua nhiều cơn khốn khó để vào nước Thiên Chúa (Tđcv 14,22), theo gót Chúa Cứu Thế đã nói về chính mình Người: Chúa Kitô đã không phải chịu tất cả những sự đó rồi mới bước vào vinh quang sao? (Lc 24,26).

Nếu các bạn từ chối những gian khổ đó, chắc các bạn đã hành động ngược với ích lợi của các bạn. Các bạn giống như một khối cẩm thạch trong tay nhà điêu khắc. Nhà điêu khắc phải làm bật tung ra các mảnh vụn, phải đục, phải mài mới thành một pho tượng khéo. Thiên Chúa muốn biến bạn thành hình ảnh sống động của Người: bạn chỉ nên nghĩ đến việc nắm chắc trong tay Người để Người luyện đẽo bạn. Hãy tin chắc rằng Chúa không đục một vết rất nhỏ nào trái nghệ thuật hoàn thiện, không cần thiết theo ý định của Người và không quy về việc thánh hóa bạn, vì như Thánh Phaolônói: ý muốn của Thiên Chúa là các bạn phảinên thánh thiện (1 Thess 4,3).

Saturday, December 3, 2011

Thiên Chúa qui định mọi biến cố tốt cũng như xấu

1. Thiên Chúa qui định mọi biến cố tốt cũng như xấu
(trong trời đất, không có gì tình cờ xảy ra cho ta)


Không có việc gì xảy ra trong vũ trụ mà Thiên Chúa không muốn hay không ban phép. Điều đó phải hiểu một cách tuyệt đối về hết mọi sự - trừ tội lỗi. Các Giáo Phụ và các
Thánh Tiến sĩ trong Giáo Hội đều đồng thanh dạy rằng: "Trong suốt đời ta, không có sự gì xảy ra do ngẫu nhiên. Thiên Chúa can thiệp vào khắp mọi nơi". - "Ta là Chúa -chính Chúa đã phán qua miệng tiên tri Isaia Ta là Chúa và không còn Chúa nào khác nữa. Chính Ta đã dựng nên sự sáng, tạo nên sự tối gây nên hòa bình, làm nên các sự dữ, chính Ta là Chúa làm nên mọi sự đó!" (Is 45,6-7). Trước nữa Người đã dùng Moise để dạy dỗ: Chính Ta làm cho chết, chính Ta làm cho sống, chính Ta làm cho bị thương, chính Ta chữa lành (Đnl 32,39). Chúa lại còn phán trong Ca vịnh bà Anna mẹ ông Samuen:"Chúa cất đi và ban sự sống, Chúa đưa đến mồ và kéo ra khỏi đấy, Chúa ban cho giầu có hay nghèo nàn, Người hạ xuống và nâng lên" (1 Sam 2,6-7). Tiên tri A mốt nói: "Có sự dữ gì xảy ra trong thành mà lại không do Chúa? (Am 3,6). Đấng Khôn Ngoan cũng tuyên bố:"Sự lành, sự dữ, sống, chết, giầu nghèo, đều do Chúa"(Hc 2,14). Còn từng trăm chỗ nói như thế.


Có lẽ bạn sẽ nói rằng: điều đó chỉ đúng cho một ít hiệu quả tất yếu như bệnh hoạn, chết, nóng lạnh, và một ít biến cố do những căn nguyên tự nhiên phát sinh, những căn
nguyên này không có tự do. Còn đối với những việc tùy thuộc ý muốn tự do của con người, thì không phải như thế. Bạn sẽ vấn nạn rằng: giá như có ai nói xấu tôi, đánh đập hành hạ tôi, sao tôi lại dám cho rằng việc đó là do thánh ý Thiên Chúa, vì Chúa không những không muốn người ta xử đãi với tôi như thế, lại còn nghiêm cấm điều đó nữa. Rồi bạn kết luận: Người ta chỉ có thể bảo là do ý muốn của con người, do sự dốt nát hay ác tâm của người ta mà thôi. Thực, đó là tấm bình phong để người ta ẩn nấp để lẩn tránh những biến cố do tay Chúa xếp đặt, và để tự bào chữa một sự thiếu can đảm và tuân phục.Tôi xin thưa với bạn rằng: Vô ích lắm,nếu bạn tưởng có thể tự hãnh về cách lập luận đó, để mong được thoát ly ra ngoài quyền lực Chúa quan Phòng. Chính Thiên Chúa đã phi bác lập luận đó. Theo lời Chúa phán ta phải tin rằng trong mọi chuyển biến, không có gì xảy ra, nếu Ngài không ra lệnh hay ban phép. Bạn hãy nghe đây: Muốn phạt tội sát nhân và ngoại tình của vua Đavít, Chúa đã sai tiên tri Nathan
đến bảo vua: "Sao ngươi đã khinh thị lời Ta và phạm tội trước mặt Ta? Ngươi đã giết
Uria, ngươi đã cướp vợ y và đã dùng gươm con cháu Am mon mà giết y. Này đây lời Chúa phán: Ta sẽ khiến từ nhà ngươi nổi lên những tai họa giáng trên đầu ngươi. Ta sẽ bắt các vợ ngươi trước mặt ngươi và Ta sẽ trao cho tên thân cận của ngươi, nó sẽ làm nhục ngươi giữa thanh thiên bạch nhật. Ngươi đã phạm tội trong nơi kín, còn Ta, Ta sẽ phạt ngươi cho cư dân Israel trông thấy giữa ban ngày (2 Sam 12,9-12).


Đến sau khi dân Do Thái, vì những tội ác, đã xúc phạm đến Chúa quá nhiều và khiêu khích phép công bằng Chúa, Người lại phán: "Assur là chiếc roi chiếc gậy của cơn
thịnh nộ Ta, Ta sẽ dùng Assur làm dụng cụ oán phạt. Ta sẽ sai y đến dân bất trung, Ta sẽ truyền cho y tiến phạt dân Ta giận dữ, y sẽ tước đoạt cướp bóc và giầy đạp nó dưới chân như bùn nhơ ngoài đường" (Is l0,5-6).


Đó tôi xin hỏi bạn, Thiên Chúa có thể tuyên bố rõ rệt hơn Người là căn nguyên những tai họa mà Absalon đã làm cho vua cha phải chịu, và vua xứ Assyria đã làm cho dân Do Thái không? Rất dễ trưng thêm nhiều thí dụ khác, nhưng như thế cũng đã đủ.


Nên chúng ta phải kết luận với Thánh Augustinô rằng: "Tất cả mội sự xảy ra ở trần thế này trái với ý muốn chúng ta (bất kỳ do người ta hay bởi đâu) đều là do ý muốn của Thiên Chúa, do sự xếp đặt của Chúa quan Phòng, do mệnh lệnh và quyền điều khiển của Chúa. Nếu vì trí khôn ta yếu đuối không thể hiểu rõ được lý do các việc đó, chúng ta hãy nhận là việc Chúa Quan Phòng, chúng ta hãy tôn vinh Chúa vì được trực tiếp nhận những cái đó bởi tay Người, hãy tin chắc không phải vô lý mà Chúa gửi đến cho ta".
Dân Do Thái kêu trách cho rằng chúng phải chịu lưu đầy và các sự khốn khó là do số phận hẩm hiu và bởi những lý do ngoài ý muốn Thiên Chúa. Nhưng tiên tri Giêrêmia đã trả lời cho họ: "Ai là nguời có lời nói có sức phát sinh một hiệu quả nào, nếu Chúa không ban lệnh cho người đó? Không phải rằng các sự lành sự dữ đều do miệng Đấng Cao Cả ư? Như thế tại sao người ta dám lẩm bẩm kêu trách vì những hình phạt do tội lỗi của mình gây nên? Phần chúng ta, chúng ta hãy hồi tâm lại, hỏi lương tâm ta, ta hãy sửa đổi cách ăn ở và trở về cùng Chúa. Chúng ta hãy nâng tâm hồn lên trời, giơ tay lên cầu Chúa và thưa với Người rằng: Chúng tôi đã hành động bất chính, chúng tôi đã kéo cơn giận Chúa xuống trên mình chúng tôi, vì thế Chúa đã không nghe lời chúng tôi" (Ai ca 3, 37-42). Những lời đó không đủ rõ ràng sao?
Chúng ta còn phải tìm ích lợi cho ta bởi những biến cố đó nữa. Chúng ta hãy cẩn thận qui hoàn mọi sự cho ý muốn Thiên Chúa, và tin chắc rằng mọi sự đều được hướng dẫn do tay Chúa hiền từ như một người cha.
Thiên Chúa có thể muốn hay ban phép xảy ra những việc dữ thế nào được?
Nhưng có lẽ bạn còn nói: Trong mọi hành động đó đều có tội lỗi. Vậy Thiên Chúa có thể muốn những việc đó, hay tham dự vào những việc đó thể nào được, vì Chúa là chính sự Thánh Thiện không thể đi đôi được với tội lỗi?
Vâng, Thiên Chúa không bao giờ và không có thể là tác giả của tội lỗi. Nhưng chúng ta đừng quên rằng, trong bất kỳ tội nào, phải phân biệt hai phần - theo các nhà Thần học - một phần từ nhiên và một phần luân lý. Ví dụ, trong hành động đáng tiếc của người ta: đều có cử động của lưỡi sỉ nhục bạn và cử động của ý muốn đi trệch ra ngoài lẽ phải và luật Chúa. Nhưng tác động vật lý của cánh tay hay của lưỡi cũng như mọi sự vật tự nhiên, đều bản nhiên tốt lành, và không gì ngăn cản nó phát sinh cùng với và nhờ sự trợ giúp của Chúa. Cái xấu, cái mà Thiên Chúa không thể giúp đỡ được và Người không thể là tác giả được, đó là cái chủ ý khiếm khuyết, phi pháp mà ý muốn con người lồng vào hành động đó.
Bước đi của một người què, xét về phương diện là một cử động, đúng thực là do linh hồn và chân. Còn cái khuyết điểm làm cho bước đi khập khiễng là chỉ do chân thôi. Cũng thế, tất cả mọi hành động xấu đều phải nói là do Chúa và do người ta xét theo phương diện những hành động đó là những việc tự nhiên, vật lý, nhưng xét theo phương diện nó phi pháp, tội lỗi, thì chỉ là do ý muốn của người ta thôi.
Nếu người ta đánh hay nói xấu bạn, thì các cử động của cánh tay hay của lưỡi không phải là tội lỗi, và Thiên Chúa rất có thể là thực là tác giả của cử động đó. Người ta cũng như bất cứ tạo vật nào không thể tự mình sống hay cử động, nhưng phải nhờ Thiên Chúa hành động trong con người và qua con người. Vì theo lời Thánh Phaolô, "Chúng ta sống, động và tồn tại trong Thiên Chúa" (Tđcv 17,28). Cái ác ý hoàn toàn của người ta, và chỉ ở điểm này mới là tội: Thiên Chúa không hề dự phần vào, nhưng Người làm thinh để khỏi thương tổn đến tự do.
Hơn nữa khi Thiên Chúa cùng giúp sức cho người làm bị thương hay lấy một của cải đó, vì bạn đã lạm dụng chúng và chúng sinh hại cho linh hồn bạn; Chúa không hề muốn rằng người hung ác hay tên trộm cướp đó dùng một tội ác mà phạm tới bạn. Điều đó không bao giờ Chúa muốn, nhưng chỉ là ác ý của người ta.
Tỉ dụ sau đây giúp ta hiểu rõ hơn. Một tội nhân bị kết án tử hình do một án phạt công bình. Nhưng đao phủ là kẻ thù riêng của tội nhân, và thay vì thi hành án của quan tư pháp do nhiệm vụ, đao phủ lại làm vì lòng oán ghét báo thù. Như thế không hiển nhiên là quan án không tham dự gì vào tội ác của tên đao phủ ư? ý muốn của quan án không phải là muốn cho người đao phủ phạm tội đó, nhưng chỉ muốn cho công lý được bảo toàn và tội nhân phải chịu phạt đền tội.
Cũng thế, Thiên Chúa không thể tham dự cách nào vào hành động ác độc của người đánh hay ăn trộm của bạn: đó là hành động riêng của họ. Thiên Chúa, như chúng tôi đã nói, muốn sửa lỗi bạn, muốn cho bạn tự khiêm, cho bạn mất của cải để cứu thoát bạn khỏi nét xấu và đem bạn vào đường nhân đức. Nhưng ý định nhân từ thương xót đó có thể thi hành bằng trăm ngàn cách mà không có tội lỗi, không có dự phần gì vào tội lỗi của con người mà Chúa dùng làm khí cụ để thi hành. Và trong thực tế, không phải ác ý hay tội lỗi của người ta làm bạn đau khổ, nhục nhã hay mất của, nhưng chính là sự mất sức khoẻ, danh dự và của các vật chất. Tội lỗi chỉ làm hại người có tội thôi: chính vì thế mà chúng ta phải phân biệt, trong những việc như thế, phía tốt và phía xấu, phân biệt điều Thiên Chúa dùng người ta thi hành với cái mà ý muốn của con người được Chúa dùng đã tự mình thêm vào.

Thí dụ thực hành
Thánh Grêgôriô lại trình bày chân lý đó dưới một hình thức khác. "Một thầy thuốc ra lệnh cho đỉa hút máu bệnh nhân. Trong lúc hút máu bệnh nhân, mấy con vật nhỏ bé đó chỉ có ý hút cho no thỏa đến giọt máu cuối cùng. Nhưng thầy thuốc lại không có chủ ý nào khác ngoài việc rút hết máu độc ở bệnh nhân ra, và như thế là chữa được bệnh nhân. Giữa sự hung hăng hút máu của mấy chủ đỉa, với cái mục đích sáng suốt của thầy thuốc, không có gì giống nhau. Cho nên bệnh nhân không có vẻ gì là đau khổ. Bệnh nhân không nhìn đến cái khía cạnh mấy chú đỉa ác tâm, bệnh nhân chỉ cố sức làm tiêu tan sự tởm gớm của cái hình dáng ghê sợ của mấy chủ đỉa. Họ còn bằng lòng và ủng hộ hành động đó vì biết rõ rằng mấy chú đỉa chỉ hành động vì thầy thuốc nhận thấy như thế là có ích cho việc chữa bệnh".
Thiên Chúa dùng người ta cũng như thầy thuốc dùng đỉa. Cho nên chúng ta cũng phải không được dừng lại ở những dục vọng của những người được Thiên Chúa ban quyền hành động đến ta, cũng không được khó chịu vì những ác ý của họ. Ta lại phải giữ mình không được thù ghét họ. Quả thế dù họ có những nhận định riêng biệt nào đi nữa, đối với ta lúc nào họ cũng chỉ là những dụng cụ cứu rỗi được điều khiển do bàn tay nhân từ của Thiên Chúa khôn ngoan và phép tắc, chỉ cho phép họ hành động tùy với lợi ích của ta.

Cho nên ta phải cố gắng thâu lượm lấy những mỹ quả hơn là lo chống đối những xâm phạm của họ, vì đó thật là những xâm phạm do Chúa gây nên. Điều đó đúng thực cho mọi tạo vật bất kỳ loài nào. Không một vật nào có thể hành động vào ta được nếu Chúa không ban quyền.

Học thuyết này rất quen thuộc đối với những linh hồn thực được Chúa soi sáng. Chúng ta thấy một tấm gương sán lạn như Thánh Gióp. Thánh nhân mất hết con cái của cải mà Thánh nhân nói: Chúa đã ban cho tôi mọi sự và Chúa tôi lại cất lấy mọi sự, Chúa muốn thể nào, thì đã xảy ra như thể Xin chúc tụng Danh Chúa (Gióp 1, 21). Thánh Augustinô chú thích rằng: Bạn hãy xem Thánh Gióp không nói: Chúa đã ban cho tôi mà quỷ đã cướp mất, nhưng Thánh nhân đã sáng suốt nói rằng: Chính Chúa đã lấy đi. Công việc đã xảy ra như Chúa muốn, chứ không theo ý quỷ.

Thí dụ về ông Giuse cũng không kém rõ ràng. Thực do ác ý và với một mục đích xấu mà các anh ông đã bán ông cho bọn lái buôn. Tuy nhiên vị Thánh Tổ phụ đó vẫn cho là mọisự đều do Chúa Quan Phòng. Chính ông đã nhiều lần nói: Chúa đã sai tôi sang Ai Cập trước để cứu giúp anh em, Chúa đem tôi đến đây để gìn giữ mạng sống cho anh em, để anh em có của ăn mà sống. Không phải do ý định của anh em mà tôi được đưa tới đây, nhưng là do ý muốn của Thiên Chúa đã muốn làm cho tôi nên Hoàng thân của vua Pharaon, làm chủ trong hoàng đài, và làm vương hầu trong cả nước Ai Cập (St 45,7-8).

Nhưng chúng ta hãy ngắm nhìn Chúa Cứu Thế, là Đấng Thánh vô cùng đã bỏ trời xuống thế, dùng gương lành và lời giảng dạy để giác ngộ chúng ta. Thánh Phêrô, do một tấm lòng hăng hái mù quáng thúc đẩy, đã muốn can ngăn Chúa đừng chịu khổ, và ngăn bọn lính không được chạm tới Thánh Thể Chúa. Nhưng Chúa Giêsu đã phán cùng Thánh Phêrô: Chén Cha Ta đã ban cho Ta, tại sao Ta không uống? (Ga 18,11). Như thế Chúa Giêsu đã cho rằng các đau khổ và tủi nhục Người chịu trong cuộc tử nạn, không phải là do bọn Do Thái đã tố cáo Ngài, không phải do Giuđa phản bội, không phải do Philatô đã kết án Ngài, cũng không phải do bọn lý hình đã làm khổ Ngài, không phải do quỷ dữ đã thúc đẩy bọn người khốn nạn đó, tuy họ là những căn nguyên trực tiếp gây ra những đau khổ cho Ngài, nhưng là do Thiên Chúa. Thiên Chúa đây được coi như một người cha yêu thương vô cùng, chứ không được phép coi như một vị thẩm phán nghiêm thẳng.

Không bao giờ chúng ta được cho rằng do quỷ, do người ta, ta hãy nói rằng do Chúa là căn nguyên đích thực, nếu chúng ta bị mất của, bị bất mãn, bị đau khổ, bị tủi nhục.Thánh Đôrôthê nói: "Hành động thế khác tức là ta đã làm như một con chó trút tất cả sự tức giận vào hòn đá, thay vì cho là do bàn tay người đã tung hòn đá đó tới". Cho nên bạn hãy cẩn thận đừng nói: người nọ là căn nguyên tai họa tôi đang chịu, người kia đã gây nên việc rủi ro của tôi. Các tai họa của bạn không phải là việc của người phàm, nhưng là việc của Chúa. Nhưng chúng ta được an tâm, là vì Thiên Chúa tốt lành vô cùng, bao giờ cũng hành động rất mức khôn ngoan, và với những mục đích thánh thiện cao cả.

trích sách Tin Cậy Chúa Quan Phòng (Bí thuật Bình an và Hạnh phúc) do L.M. Jean-Baptiste Saint-Jure, S.J. (1588 A.D. - 1657 A.D.) viết